Những hiểm họa bà bầu cần lưu ý khi đi du lịch ngày 30/4
Các thai phụ có tiền sử sảy thai, sinh non, tiền sản giật nên hạn chế hoặc không đi xa trong dịp nghỉ lễ sắp tới.
Kỳ nghỉ 30/4-1/5 năm nay kéo dài 4 ngày nên nhu cầu du lịch của người dân khá lớn. Tuy nhiên, các bà bầu thường e ngại khi đi chơi dịp nghỉ lễ.
Những quy tắc bà bầu cần nhớ khi đi du lịch
– Không nên xách, mang, vác hành lý quá nặng trong chuyến đi.
– Nên chọn những chuyến đi có thời gian di chuyển không quá 6 tiếng. Điều này sẽ tránh được việc hình thành các cục huyết, tụ máu ở chân và khung xương chậu.
– Nên tìm hiểu trước khí hậu, điều kiện địa lý ở khu vực định đến. Nếu đó là vùng có khí hậu khắc nghiệt, thất thường, có dịch bệnh truyền nhiễm… tốt nhất bà bầu nên hủy hành trình.
– Tìm hiểu thông tin về các dịch vụ y tế, các trung tâm, phòng khám, bệnh viện sản khoa tại nơi nghỉ dưỡng.
– Tránh các hoạt động leo núi, tắm nắng, lặn, bơi lội quá sức hay các hành vi nguy hiểm khác trong quá trình du lịch…
– Mang theo đồ ăn như bánh quy, trứng luộc, hoa quả, các loại hạt, sữa, nước cho chuyến đi.
– Tránh những nơi đông người, dễ chen lấn, xô đẩy.
Thạc sĩ, bác sĩ Tạ Việt Cường, Khoa D4, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho hay đối với các thai phụ có tiền sử sảy thai, sinh non, hở cổ tử cung, nhiễm độc thai nghén, tiền sản giật, dọa sảy nên hạn chế hoặc không nên đi lại, đặc biệt những chuyến du lịch xa.
Những sản phụ thai kỳ ổn định, khỏe mạnh có thể đi du lịch nếu kiểm soát được các nguy cơ và đảm bảo sự an toàn cho sức khỏe.
Theo đó, ba tháng giữa thai kỳ (tuần thai thứ 14-27) là thời điểm tốt nhất cho bà bầu đi du lịch. Trong 3 tháng đầu tiên, nhiều chị em bị nghén với biểu hiện như nôn và mệt mỏi nên không thích hợp với những chuyến đi dài. Còn trong 3 tháng cuối, việc đi du lịch không được các bác sĩ khuyến khích, đặc biệt là thai phụ có nguy cơ sinh non.
4 nguy cơ bà bầu cần lưu ý khi đi du lịch
Theo thạc sĩ Cường, thực chất việc đi lại, di chuyển không ảnh hưởng tiêu cực tới thai kỳ. Thậm chí, du lịch còn khiến tâm trạng, tinh thần của bà bầu được thư giãn, điều này tốt cho em bé trong bụng.
Tuy nhiên, cũng như những người bình thường khác, phụ nữ mang thai khi đi du lịch cũng có thể đối mặt với nhiều nguy cơ như:
– Mắc bệnh truyền nhiễm: Các điểm du lịch dịp lễ thường rất đông người đồng nghĩa nguy cơ lây các bệnh như cúm, sốt rét, nếu sức đề kháng của cơ thể yếu. Khi mắc bệnh, bà bầu phải đối mặt nguy cơ sảy thai tự nhiên, thai lưu, sinh non hoặc nhiễm khuẩn thai nhi. Điều này càng nguy hiểm nếu thai phụ mắc bệnh ở 3 tháng đầu thai kỳ.
Theo thạc sĩ Cường, thời điểm mang thai tốt nhất là vào đầu hè hoặc thu, khi thời tiết ổn định, giúp bà bầu ít ốm và mắc các bệnh lây truyền. Ngoài ra, tốt nhất trước khi mang thai, chị em nên chuẩn bị thể lực và uống thuốc bổ, axit folic để nâng cao sức đề kháng và tránh dị tật thai nhi.
– Ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy: Nếu ăn uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, khách du lịch nói chung, phụ nữ mang thai nói riêng rất dễ bị ngộ độc thực phẩm. Trường hợp thai phụ bị tiêu chảy có thể làm lưu lượng máu đến nhau thai không đủ, vì vậy chị em cần đặc biệt lưu ý ăn, uống đầy đủ để đảm bảo dinh dưỡng cho mình và thai nhi.
Nên ăn chín, uống sôi, dùng nước uống đóng chai hoặc nước đun sôi để nguội, ăn thức ăn nấu kỹ và các sản phẩm sữa được khử khuẩn. Bà bầu cần tránh dùng các món rau sống, mắm tôm, tép sống, không ăn thịt bò và hải sản tái để phòng tránh bệnh tiêu chảy vì chúng dễ gây biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ.
– Mệt mỏi, khó chịu: Khi đến chỗ quá đông người, thời tiết nóng bức có thể khiến bà bầu mệt mỏi, khó chịu. Do đó, chuyên gia khuyến cáo chị em nên đi lại nhẹ nhàng, tích cực nghỉ ngơi.
– Say tàu xe: Trong thai kỳ, nhiều chị em tránh dùng thuốc say tàu xe nên rất mệt mỏi khi di chuyển. Tuy nhiên, theo thạc sĩ Cường, bà bầu nên chọn những chặng di chuyển ngắn, ngồi ở những vị trí thoáng. Ngoài 3 tháng đầu thai kỳ, chị em có thể cân nhắc dùng thuốc, miếng dán chống say xe theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Có Thể Bạn Quan Tâm