Thời Gian Làm 8:00 - 20:00Thời Gian Làm 028.39.257.111 - 03.8558.1111

Những điều chớ nên làm sau khi khẩu chiến

Tham vấn y khoa :

Sau khi tranh cãi, tốt nhất đừng cố tỏ ra lạnh nhạt hoặc gồng mình bào chữa. Điều tốt nhất có thể làm là lời xin lỗi chân thành.

Cãi nhau cuối cùng tất cả cũng là để cho tình yêu này càng ‘vận hành’ được trơn tru, mạnh mẽ, bởi đó sẽ là lúc mà cả hai có thể hiểu rõ hơn về nhau, để thông cảm và tha thứ cho nhau chứ không phải là để tạo ra thêm những vết nứt hay khoảng cách trong mối quan hệ. Theo Womansday, có những điều tối kỵ mà mọi cặp vợ chồng nên tránh sau những lần cãi vã:

Đừng bỏ cuộc

Ai cũng muốn đối phương của mình cùng chăm chút và nuôi dưỡng tình yêu. Và cãi nhau là một trong những dấu hiệu cho thấy cả hai đều đang cố gắng để mối quan hệ này được tiến triển tốt hơn. Một cặp đôi rõ ràng đã đi đến ‘ngõ cụt’ nếu họ nói: ‘Chúng tôi ngày trước hay cãi nhau lắm, nhưng giờ thì chúng tôi cứ chấp nhận và bỏ qua thôi!’. Điều này không có nghĩa là họ không còn bất đồng nữa, mà là họ đang tự để tình yêu của mình vuột mất trước khi thật sự chia tay hay có thêm mối tình nào khác. Chính vì thế, hãy vui lên bạn nhé, bởi bạn và chàng vẫn còn yêu và quan tâm đến nhau, đủ để cùng nhau đi đến tận cùng để giải quyết vấn đề.

Đừng tỏ ra lạnh nhạt

Nếu bạn cần một khoảng không gian để có thể bình tĩnh lại, hãy nói thẳng với anh ấy. Các chuyên gia tâm lý đã phân tích rằng, một trong những sai lầm lớn nhất của các cặp đôi đó là họ thường xuyên ‘chiến tranh lạnh’ sau mỗi lần cãi nhau. Nếu như bạn tỏ ra lạnh lùng hoặc không quan tâm gì đến chàng nữa, điều đó có thể sẽ khiến cho chàng cảm thấy bạn đang trừng phạt anh ta và điều này có thể khiến chàng sau này sẽ khó mở lòng với bạn nữa.
Thay vào đó, bạn có thể nói: ‘Em vẫn còn chưa thật sự cân bằng sau chuyện vừa rồi, nhưng hãy cho em một ngày để sắp xếp lại tâm trí mình, em chắc sẽ ổn thôi. Nếu không, anh và em sẽ nói chuyện tiếp nhé!’.

Đừng để bụng lời nói của chàng

Tất cả những gì chàng nói trong lúc nóng giận có lẽ chỉ nên dừng tại đó. Khi tranh luận, nếu chàng bắt đầu buông ra những lời khiến bạn khó chịu, hãy nói thẳng với chàng. Nếu những lời nói đó tiếp tục khiến tâm trí của bạn bức bối trong những ngày sau, hãy tạo cho bản thân một khoảng không gian riêng tư để thư giãn và suy nghĩ chứ đừng tiếp tục lôi chuyện ra gây hấn với chàng. Những vấn đề tranh luận quá thường xuyên chỉ dẫn đi một vòng lẩn quẩn chứ khó có thể đưa ra được hướng giải quyết tốt nhất.

Đừng quên xin lỗi

Điều ngọt ngào nhất sau mỗi cuộc tranh luận chính là lúc cả hai đều nhận ra được lỗi sai của mình, xin lỗi và cùng tha thứ cho nhau. Lỗi dù lớn dù bé, một lời xin lỗi sẽ chẳng khiến bạn mất mát gì, phải không nào? Tất cả những gì bạn cần làm là nói ‘Em xin lỗi vì…’, tiếp theo đó là ‘sau này em sẽ cố để không như vậy nữa…’.

Đừng tự bào chữa

Có hàng nghìn lý do bạn có thể đổ lỗi cho cuộc đấu khẩu vừa qua: Một ngày mệt mỏi, công việc không như ý muốn, bị mất ngủ… Trên thực tế, một nghiên cứu của ĐH California (Mỹ) đã chỉ ra rằng những cặp đôi không ngủ đủ giấc thường dễ xảy đến bất hòa nhất. Tuy nhiên, đừng lấy đó làm lý do để tự bào chữa cho cơn nóng giận của mình, điều đó là không công bằng với đối phương.

Cãi nhau cũng là một cách để truyền tải thông tin nhưng nếu như bạn mệt mỏi, giận dữ, đau buồn hay tổn thương, nửa kia của bạn cần phải biết được điều đó bằng một cách nào khác. Chẳng hạn như lần tới nếu bạn có một ngày làm việc tệ hại, hãy cố thông báo trước với chàng trước khi hai người gặp nhau. Nhờ đó, chàng có thể biết được rằng bạn đang nhạy cảm và dễ cáu kỉnh hơn.

Đừng ‘yêu’ nếu bạn không muốn

Cả hai đều nhận ra được mình sai và nói lời xin lỗi. Bây giờ chàng ta lại bắt đầu tỏ ra thân mật, âu yếm để ‘mời’ bạn một cuộc ‘mây mưa’. Và tất cả những gì bạn có trong đầu là: ‘Có phải không vậy trời?’. Rất nhiều đàn ông sau mỗi lần cãi nhau đều muốn ‘yêu’ vì nó cho họ cảm giác được gần gũi, yêu thương trở lại. Nếu như bạn không có hứng, hãy từ chối chàng một cách nhẹ nhàng. Hãy ôm chàng và có thể là hẹn lại buổi ‘yêu’ thật nồng nhiệt vào tối ngày mai. Tuyệt nhiên đừng hờ hững, cự tuyệt mà không một lời giải thích nhé! Nó sẽ khiến chàng bị tổn thương nghiêm trọng đấy!

Đừng chỉ quan tâm đến nguyên nhân ‘chiến tranh’

Bởi nguồn năng lượng và tâm trí bạn tốt nhất nên để dành cho việc giải quyết mâu thuẫn thì hay hơn. Sự khác biệt giữa cuộc cãi nhau tốt và xấu ở chỗ bạn có tìm ra được cách hóa giải nó hay không.

Đừng nói ’em không có ý đó…’

Nói như vậy chẳng khác nào bạn cố dùng gôm để xóa đi những vết mực trên giấy. Nó càng khiến cho tình huống căng thẳng, bởi chàng có thể trả lời rằng: ‘Có, rõ ràng là em có ý như vậy!’. Cứ mãi đay nghiến chuyện bạn đã nói hay không nói, cố tình hay vô ý chỉ mãi níu giữ bạn nghĩ về quá khứ thay vì cố gắng đối mặt với vấn đề hiện tại và hướng giải quyết sắp tới. Và nếu như chàng nói với bạn: ‘Anh không phải có ý đó’, bạn có thể trả lời rằng: ‘Anh không có ý đó nhưng nó đã khiến em tổn thương thế này. Vậy mai mốt, anh đừng làm thế nữa nhé!’.