Thời Gian Làm 8:00 - 20:00Thời Gian Làm 028.39.257.111 - 03.8558.1111

Một số loại thực phẩm nếu ăn sai cách dễ tử vong

Tham vấn y khoa :

Trái cây, rau củ là loại thực phẩm cung cấp nhiều dinh dưỡng và vitamin cần thiết cho cho cơ thể.

Nhưng dù là món khoái khẩu thì cũng nên thận trọng khi ăn vải, khế, mía hay khoai tây bởi nó có thể gây hại khôn lường cho sức khỏe.

Quả ackee

Quả ackee chưa chín có chứa một loại chất độc được gọi là hypoglycin. Loại quả này có hình dạng giống trái lê, có nguồn gốc từ Tây Phi nhưng nó được du nhập vào Jamaica năm 1778 và trở thành loại trái cây biểu tượng tại đất nước châu Mỹ này.

Đây là nguyên liệu trong món ăn “quốc hồn’ của Jamaica: ackee và cá muối. Nhưng hãy cẩn thận nếu ăn ackee khi chưa chín thậm chí là gần chín hay không được bóc vỏ cẩn thận, quả ackee có thể gây ra nôn mửa, khiến nạn nhân có thể hôn mê và tử vong.

Nếu ăn phải hạt quả ackee, đồng nghĩa bạn đã hấp thu một lượng độc tố vào cơ thể, ngăn chặn quá trình sản sinh gluco trong cơ thể và gây nên lượng đường trong máu thấp đến nguy hiểm. Mặc dù vậy, ackee vẫn là loại quả được ưa chuộng vì nhiều dinh dưỡng, hàm lượng kẽm, axit béo và vitamin A cao.

Quả vải

Vải là loại trái cây yêu thích của nhiều người nhưng nếu ăn khi chưa chín, đặc biệt là với những người nhịn bữa tối hoặc trẻ em suy dinh dưỡng, nó có thể biến thành môt loại quả độc hại, thậm chí gây tử vong. Đó là những gì đã diễn ra ở thành phố Muzaffarpur (Ấn Độ), nơi cung cấp 70% vải trên toàn bộ quốc gia rộng lớn này.

Mỗi năm, hàng trăm trẻ em ở Ấn Độ nhập viện vì căn bệnh bí ẩn gây sốt và co giật. Một nghiên cứu gần đây đã tìm ra nguyên nhân có thể là do độc tố từ vải chưa chín. Khi ăn quá nhiều vải mà bỏ bữa, cơ thể sẽ bắt đầu chuyển hóa axit béo để sản xuất glucose, chất độc từ vải sẽ phá vỡ sự trao đổi chất của các axit béo khiến cho lượng đường trong máu suy giảm trầm trọng và dẫn đến viêm não với triệu chứng sốt, co giật rồi bất tỉnh.

Sắn

Phổ biến ở châu Phi, Nam Mỹ và một phần châu Á, sắn là nguồn cung cấp calo quan trọng thứ ba sau ngô và lúa gạo, cho hơn 600 triệu người trên toàn cầu mỗi ngày. Củ sắn có thể luộc, nướng hoặc nghiền thành bột.

Tuy nhiên, loại lương thực này có thể trở nên độc hại nếu không được chế biến đúng cách.
Theo Giáo sư Peter Spencer (Đại học Y khoa Oregon), loài thực vật tự nhiên này chứa hydrogen cyanide – một hợp chất được quy định nghiêm ngặt trong quá trình chế biến và sản xuất để có thể làm giảm nồng độ chất độc này. ‘Nó nuôi dưỡng hàng triệu người trên khắp thế giới’, Spencer nói. ‘Nhưng nếu bạn không có thời gian để xử lý trước khi ăn, nó sẽ là một loại độc dược’.

Chế biến bao gồm quá trình lên men, lột vỏ, sấy khô và nấu chín. Ăn sắn chưa qua xử lý có nghĩa là bạn đang ăn xyanua, có thể ảnh hưởng đến kích thích tố tuyến giáp và làm hư hại các tế bào thần kinh trong não liên quan đến sự vận động. Ngoài ra, chất độc của củ sắn cũng có thể gây tê liệt đột ngột.

Quả khế

Khế là loại quả có nguồn gốc từ châu Á và rất quen thuộc tại Việt Nam. Nó được sử dụng như một liệu pháp thảo dược cho nhiều loại bệnh tật ở vùng nhiệt đới.

Tuy nhiên, khế có chứa các độc tố ảnh hưởng đến não và có thể gây ra rối loạn thần kinh, theo Quỹ hiến thận quốc gia (National Kidney Foundation), Mỹ. Những chất độc này có thể được xử lý và loại bỏ ở những người có chức năng thận khỏe mạnh, nhưng với những người bị thận mãn tính thì không, các chất độc có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí tử vong, Giáo sư Spencer cho biết.

Mía

Bản thân cây mía không hề gây hại nhưng nếu để quá lâu (khoảng hơn 1 tháng), mía không chỉ mất đi độ ngọt mà còn xuất hiện các vết mốc trắng. Khi đó, người sử dụng sẽ có nguy cơ nhiễm độc do nấm.

‘Loại nấm này có thể gây tử vong hoặc thần kinh kéo dài cho những người ăn phải nó, nhất là trẻ em’, Spencer nói. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết loại nấm này được gọi là artbrinium, sản sinh chất độc có thể gây nôn, co giật, co thắt và hôn mê.

Khoai tây

Khoai tây, loại thực phẩm vô cùng quen thuộc này có thể sẽ trở thành chất độc khi chúng đã nảy mầm hoặc chuyển sang màu xanh lục.

Theo Viện Y tế Quốc gia, độc tố solanine được tìm thấy trong nhiều loại cây trồng nhưng có nguy cơ cao hơn ở khoai tây xanh hoặc đã bị hư hỏng. Triệu chứng ngộ độc bao gồm nôn mửa, đau dạ dày, ảo giác và thậm chí là tê liệt.

Đỗ đỏ

Nhiều loại đỗ có chứa chất độc phytohemagglutinin nhưng nồng độ đặc biệt cao trong đỗ đỏ sống. Mức độ này sẽ giảm đáng kể khi đỗ được nấu chín.

Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, chỉ cần 4 – 5 hạt đậu sống là đủ để gây ra các triệu chứng trong vòng 1-3 giờ sau khi ăn phải, gồm nôn mửa và tiêu chảy, thậm chí đau dạ dày.

Thông thường, người sử dụng có thể phục hồi khá nhanh, trong vòng 3-4giờ sau khi xuất hiện các triệu chứng. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp phải nhập viện.