Thời Gian Làm 8:00 - 20:00Thời Gian Làm 028.39.257.111 - 03.8558.1111

Cao huyết áp mang thai: Khám thai và xét nghiệm

Tham vấn y khoa :

Cao huyết áp thường được phát hiện trong quá trình khám thai định kỳ.

Các xét nghiệm định kỳ trước sinh

Một số xét nghiệm được thực hiện trong mỗi lần khám thai định kỳ để kiểm tra cao huyết áp. Bao gồm:

– Đo huyết áp: Huyết áp luôn được theo dõi chặt chẽ trong thời kỳ mang thai.
– Xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra xem có quá nhiều protein niệu hay không. Đây là dấu hiệu tổn thương thận do tiền sản giật.
– Đo cân nặng: Tăng cân quá nhanh có thể là dấu hiệu của tiền sản giật.

Các xét nghiệm cho phụ nữ có nguy cơ cao bị tiền sản giật

Các xét nghiệm khác cũng được thực hiện để theo dõi dấu hiệu của tiền sản giật, bao gồm:

– Xét nghiệm máu để kiểm tra các vấn đề như hội chứng HELLP và tổn thương thận.
– Xét nghiệm độ thanh thải creatinin, đòi hỏi lấy mẫu máu và nước tiểu trong 24 giờ, để kiểm tra chức năng thận.
– Xét nghiệm nước tiểu 24 giờ để kiểm tra protein niệu.

Các xét nghiệm đối với thai nhi

Nếu bạn bị cao huyết áp khi mang thai, sức khỏe thai nhi cũng cần được giám sát chặt chẽ. Tình trạng bệnh của bạn càng nghiêm trọng thì bạn càng cần kiểm tra thường xuyên hơn, 1 lần/tuần và có thể là hàng ngày nếu cần thiết.

Các xét nghiệm thường được sử dụng bao gồm:

– Theo dõi tim thai ghi lại nhịp tim thai.
– Siêu âm thai nhi, trong đó sử dụng sóng âm phản xạ để tạo ra hình ảnh của thai nhi, nhau thai và tử cung nhằm kiểm tra:

+ Tình trạng sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.
+ Tình trạng nhau thai và khả năng nhau thai bong non.
+ Lượng nước ối bao quanh thai nhi.

– Siêu âm màu Doppler để kiểm tra tình trạng hoạt động của nhau thai.

Tổng quan điều trị

Nếu bạn bị cao huyết áp trong thai kỳ, việc điều trị của bạn có thể bao gồm sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ và dùng thuốc trị cao huyết áp.

Bác sĩ có thể cho bạn uống thuốc nếu huyết áp quá cao. Một số phụ nữ bị cao huyết áp vẫn dùng thuốc trị cao huyết áp nhưng với liều thấp hơn khi mang thai nếu huyết áp được cải thiện.

Thuốc được dùng để kiểm soát cao huyết áp mạn tính trong thai kỳ bao gồm:

– Methyldopa
– Nifedipin

Một số thuốc trị cao huyết áp gây nguy hiểm trong thời kỳ mang thai. Nếu bạn uống thuốc trị cao huyết áp, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về sự an toàn của thuốc trước khi mang thai hoặc ngay khi biết mình mang thai. Hãy chắc chắn rằng bác sĩ biết được danh sách đầy đủ tất cả những thuốc mà bạn đang dùng.

Các thuốc trị cao huyết áp khác có thể được dùng bao gồm:

– Hydralazin, loại thuốc tiêm tĩnh mạch giúp nhanh chóng làm giảm huyết áp trong thai kỳ.
– Labetalol, loại thuốc tiêm tĩnh mạch giúp nhanh chóng làm giảm huyết áp cao nghiêm trọng trong bệnh viện, và cũng là một loại thuốc uống kiểm soát cao huyết áp trong thai kỳ.

Hạ huyết áp quá nhiều hoặc quá nhanh có thể làm giảm lưu lượng máu đến nhau thai, gây ra vấn đề cho thai nhi. Vì vậy, thuốc được dùng để ngăn ngừa cao huyết áp trầm trọng có thể đe dọa đến tính mạng của bạn hoặc thai nhi.

Điều trị tại nhà

Nếu bạn bị cao huyết áp khi mang thai, thực hiện các bước sau để kiểm soát huyết áp:

– Khám thai định kỳ đầy đủ. Điều quan trọng là cần theo dõi huyết áp của bạn, vì tăng huyết áp nguy hiểm có thể xảy ra mà không có triệu chứng. Bạn có thể cần theo dõi huyết áp tại nhà.
– Nếu đang hút thuốc lá, hãy bỏ hút thuốc. Điều này giúp giảm huyết áp của bạn và cải thiện sức khỏe và sự tăng trưởng của thai nhi.
– Không tăng quá nhiều cân trong thai kỳ. Hỏi ý kiến của bác sĩ về cân nặng lý tưởng mà bạn cần đạt được.
– Thường xuyên tập thể dục nhẹ nhàng trong thời kỳ mang thai. Đi bộ hoặc bơi vài lần mỗi tuần có thể giúp bạn khỏe mạnh và thai phi phát triển tốt.
– Giảm căng thẳng: Tìm thời gian để thư giãn, đặc biệt là khi bạn vẫn tiếp tục làm việc, chăm sóc con nhỏ hoặc có một lịch trình bận rộn.