Hà Nội nhìn từ tầng hai
[ad_1]\r\n
Ngắm nhìn Hà Nội từ trên ban công những ngôi nhà cổ thường mang lại cảm xúc khác lạ (Ảnh: CAO ANH TUẤN)
Có lần, một cậu em từ Sài Gòn lần đầu ra Hà Nội, tìm gặp tôi. Chẳng biết lấy gì đãi nhau, tôi bảo cậu ngồi lên cái Vespa cổ nổ pành pành của mình, đưa đi thăm phố cổ. Chỉ một lúc, cậu chàng thở dài: Chả khác gì Sài Gòn anh ạ, cũng toàn cửa kính máy lạnh với tiệm ăn. Tôi cười, em nâng tầm mắt lên một tí, nhìn từ tầng 2 nhé. Là lầu một hả anh? Ừ, nói theo kiểu Nam thì là lầu 1.
Rồi chúng tôi tiến vào khu vực phố cổ, qua lối ngã tư Cửa Nam. Sau đó lần lượt là Hàng Bông, Hàng Gai, rẽ sang Đinh Liệt, qua ngõ Tạ Hiện, tới Hàng Buồm, rồi vòng qua Hàng Đường, Hàng Khoai, dạo Ô Quan Chưởng. Cậu em lúc ấy mới vỗ vai tôi: Hay quá anh ha!
Hà Nội đất chật người đông. Câu “tấc đất tấc vàng” giờ hiểu cả theo nghĩa đen, vì đất phố cổ bây giờ lên đến cả tỷ đồng một mét. “Nhà mặt phố, bố làm to”, đó là những tiêu chí đơn giản được đưa ra như là tiền đề của sự giàu có. Nhà mặt phố, thì xoay đủ chiều kinh doanh buôn bán. Cứ có cửa hàng là có tiền.
Thậm chí, người ta luân phiên kinh doanh suốt ngày đêm, không để phí một giờ khắc nào. Ở đầu đường tàu hỏa phố Trần Phú, buổi sáng cô chị bán bún, buổi chiều cô em bán phở gà và từ khuya đến sáng thì bà chị cả bán phở bò. Ở góc phố Nguyễn Hữu Huân, có hàng xôi Yến mở cửa bán suốt ngày đêm, thấy bảo 1 năm họ chỉ nghỉ có đúng buổi sáng mồng Một Tết.
Ngay giữa phố Cấm Chỉ, bây giờ có 2 hàng cà phê gọi là “cà phê sô-pha”, tức là bày la liệt ghế sô-pha ra đấy, khách đến bất cứ giờ nào, có thể nằm ngồi ngả ngớn, hết ngày dài đến đêm thâu, chẳng bao giờ nghỉ.
Trong bối cảnh ấy, các mặt tiền của phố cổ đều đã cải tạo cả, phục vụ cho việc kinh doanh. Những con dân phố cổ, phố hàng, vốn quen bán vài thức truyền thống thủ công, đồng quà tấm bánh, nay choáng ngợp trước những phương án kinh doanh mà người tứ xứ mang tới.
Vậy là họ rút lui, cho thuê lại mặt bằng. Hàng Bông – Hàng Gai trở thành phố thời trang dài nhất của Thủ đô, với những cửa hiệu sáng choang, hàng hóa toàn tiền triệu. Hàng Da – Hàng Gà thành phố ẩm thực gia truyền. Hàng Giầy – Hàng Buồm – Tạ Hiện – Mã Mây trở thành trung tâm của những bar Tây, luôn xập xình nhạc, say men rượu bia. Những thứ kinh doanh ấy, con dân phố cổ không biết làm bao giờ.
Trong cuộc tấn công của đồng tiền, người Hà Nội rút vào trong và thu mình lên gác, mang theo cả Hà Nội như nó vẫn luôn là. Như thể những vệ quốc quân giữ từng góc phố mùa đông năm 46, những người Hà Nội giữ tinh thần đất Kinh kỳ trong từng mảnh nhỏ nhoi của phố phường, quyết không để làn sóng khung nhôm cửa kính lấn tới và nuốt chửng.
Bởi thế, đâu đó ở ngõ Ấu Triệu, Đặng Tất hay Nam Ngư vẫn còn đôi ba căn biệt thự vẹn nguyên. Bởi thế, đi dọc theo Hàng Đồng, Bát Đàn, Thuốc Bắc, du khách vẫn có thể trầm trồ vì một vài chiếc ban-công tuyệt đẹp, với những thanh sắt uốn hoa mang tới từ nước Pháp, hay mái hiên che như một chiếc lọng tinh xảo của một công nương thế kỷ nào.
Nói theo lối nhân cách hóa, sự chênh lệch về phong cách giữa tầng trệt và tầng 2 của phố cổ Hà Nội chẳng khác nào một anh chàng vội vã xỏ chân vào chiếc quần soóc mô-đéc, trong khi trên người vẫn đang khoác chiếc áo the. Nói kiểu lạnh lùng và tả chân thì Hà Nội có thể chỉ bằng một nhát cắt chia gọn gàng làm đôi, nửa trên và nửa dưới, rồi nhấc ra mà chẳng có tí liên quan nào.
Có một lần, tôi đi bộ qua phố Tràng Tiền vào buổi chiều muộn, hướng từ hồ Gươm ra Nhà hát Lớn. Bất chợt ngước lên, trong ánh tà dương đỏ ối, tôi bất ngờ rơi vào một trong những khoảnh khắc đẹp nhất về thành phố nơi mình từng sống suốt mấy chục năm trời.
Những ban-công chạy dài yêu kiều, hàng cột chống của tòa nhà in IDEO xưa và phía cuối con đường là Nhà hát Lớn, tất cả cấu thành một bức tranh tuyệt mỹ mà những ai vội vã bước đi, hay cắm cúi vào màn hình điện thoại sẽ không bao giờ có duyên may bắt gặp.
Hà Nội vẫn còn tầng hai, cho đến bây giờ thì là thế. Thực ra bí mật này không chỉ dành cho những du khách xa xôi, có thể nó sẽ là sự ngạc nhiên với chính những người đang sinh sống ở Hà Nội, những người Hà Nội.
Đường phố chật hẹp và tấp nập, khiến chúng ta không còn mấy cơ hội và thói quen ngẩng đầu nhìn lên nữa, để có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ yêu kiều của phố cổ, ngay dưới bóng những cây nhội, cây sấu, cây bàng già.
Ngắm nhìn Hà Nội từ tầng hai, có thể bạn sẽ gặp một mái đầu bạc, một ánh mắt chậm buồn xa xăm. Nhưng cũng có thể, bạn sẽ nhìn thấy chính tuổi thơ của mình. Bạn có nhớ không, khi chúng ta còn bé và những mái ngói vẫn phủ rêu xanh…
Nhà báo Phạm Gia Hiền
Sinh năm 1981, nhà báo Phạm Gia Hiền hiện đang công tác tại kênh Truyền hình Quốc phòng. Trước đó, anh được biết đến qua loạt phóng sự nổi tiếng trên kênh sóng VTV, chương trình “Tiêu điểm”, “Ký ức chiến tranh”… Đích thực “con giai phố cổ” nên Hà Nội của Phạm Gia Hiền hôm nay dù có nhiều đổi thay, nhưng tác giả vẫn thấy những góc thân thương, thẳm sâu và yêu kiều…
VietBao.vn
\r\n
[ad_2]
— Đăng bởi HH —
Có Thể Bạn Quan Tâm